Như các bạn đã biết, cho dù học qua trường lớp giáo viên nào giỏi đến mấy đi chăng nữa, quá trình tự học của bản thân vẫn không thể thiếu được nếu bạn muốn giỏi về 1 lĩnh vực nào đó, đặc biệt là ngoại ngữ. Hôm nay mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn về lộ trình tự học tiếng Trung, để các bạn biết được phải làm thế nào trong những ngày đầu tiên học tiếng Trung.

Qua bài viết: Làm sao để tự học tiếng Trung hiệu quả? mình chia sẻ trước đây, hẳn là các bạn cũng hình dung được phần nào quá trình tự học tiếng Trung rồi? Sau đây sẽ là kinh nghiệm học của mình trong những ngày đầu tiên học tiếng Trung.

Chuẩn bị tâm lý + lên kế hoạch học tập

Một khi bạn đã xác định học, tức là học lâu dài, học kiên trì, hãy xác định cho mình kế hoạch học và 1 mục tiêu cụ thể nhé, tùy vào khả năng về thời gian mà bạn có thể dành cho môn ngoại ngữ này mà kế hoạch của mỗi người là khác nhau. Ví dụ kế hoạch của mình:

  • Học hết phần phát âm trong 3 buổi đầu.
  • Tuần học 3 buổi 2, 4, 6 (học xong phần phát âm sẽ tiếp tục học lần lượt từng bài), mỗi buổi học 2 giờ.
  • Chủ nhật xem video + xem phim Trung luyện tai.
  • Học hết Hán 1 trong 2 tháng…

Ví dụ như vậy, kế hoạch càng chi tiết thì bạn càng dễ vào guồng nha. Nhớ là phải chăm chỉ và kiên trì, đặc biệt nếu học 1 mình sẽ rất chán nên hãy vào các hội nhóm để tìm người có cùng chí hướng với mình học cho vui nhé.

Chuẩn bị tài liệu học tập:

Ngắn gọn thôi: sách, vở, bút, laptop, điện thoại, từ điển giấy… có gì dùng nấy. Đọc lại bài viết này để chuẩn bị cho tốt đối với bạn chưa biết chuẩn bị gì nhé.

Lộ trình tự học tiếng Trung từ ngày đầu tiên

Học gì trước đây ta, nghe người ta nói nhiều rồi, nào thì học phát âm trước, xong học bộ thủ, cách viết, từ vựng, ôi rối quá không biết bắt đầu từ đâu mới được. Nào bây giờ chúng ta sẽ đi cụ thể lộ trình tự học tiếng Trung nhé.

Buổi 1, 2, 3: Học phát âm

Học ngoại ngữ nào cũng vậy, việc học phát âm là vô cùng cần thiết, tiếng Trung cũng không ngoại lệ.

Để phát âm chuẩn được tiếng Trung, bạn cần học bảng phiên âm (bính âm – pinyin) của nó. Nhiều nơi gọi đây là bảng chữ cái, nhưng cách gọi này sai hoàn toàn bạn nhé. Tiếng Trung không có bảng chữ cái mà chỉ có bảng phiên âm mà thôi.

bang phien am.jpg
Hệ thống ngữ âm Trung Quốc có 36 nguyên âm (vận mẫu), 23 phụ âm (thanh mẫu), 4 thanh điệu

Trong hình là tất cả các nguyên âm và phụ âm trong tiếng Trung và sự kết hợp giữa chúng (chưa có thanh điệu), học được hết bảng trên, bạn sẽ đọc được tất cả các phiên âm trong tiếng Trung bạn nhé (lưu ý: đọc được phiên âm chứ không phải đọc được tất cả chữ nhé, muốn được chữ Hán bạn phải biết được phiên âm của nó mới đọc được).

Theo lộ trình tự học tiếng Trung của mình, bạn nên tập trung học hết các âm trong 3 ngày đầu tiên học tiếng Trung. Các bạn có thể học phát âm lần lượt theo video của cô Molli (Molli FM) hoặc cô Cầm Xu trên youtube. Hoặc học theo thứ tự các buổi như sau (nhắn tin cho mình nếu các bạn cần slide học phát âm tiếng Trung chuẩn):

  • Buổi 1: Thanh mẫu: b p m f g k h d t n l j q x), vận mẫu: a o e i u ü ai ei ao ou an en ang eng ong ia ie iao iu(iou) ian in iang ing iong.
  • Buổi 2: Thanh mẫu: z c s zh ch sh r, vận mẫu: ua uo uai ui(uei) uan un(uen) uang ueng, các vận mẫu và thanh mẫu đặc biệt.
  • Buổi 3: Thanh điệu, quy tắc biến điệu, âm uốn lưỡi và 1 số câu khẩu ngữ cơ bản.
Kết quả hình ảnh cho thanh điệu tiếng trung
Tiếng Trung với 4 thanh điệu chủ đạo (ngoài ra còn có 1 thanh gọi là thanh nhẹ nha)

Khi học mình sẽ luyện tập luôn bằng cách đọc và luyện nghe các ví dụ ở trong sách để quen với âm tiếng Trung (Phần luyện nghe này bạn có thể nghe sách giáo trình nghe hiểu tiếng Trung).

Nhớ học kỹ và phân biệt rõ các âm khó: z c s, j q x, zh ch và các thanh điệu trong tiếng Trung nhé.

Buổi 4: Học các nét viết cơ bản của chữ Hán và quy tắc viết chữ Hán

Dành 1 buổi để học các nét viết cơ bản chữ Hán, có học nét cơ bản cho xịn thì sau mình viết chữ mới đẹp được.

Các nét cơ bản của chữ Hán (Nguồn: tienghoacantho)

Ngoài ra các bạn cũng có thể học thêm cả các nét biến thể nữa nha.

Các bạn hãy luyện thật kỹ các nét cơ bản và nét biến thể này, để khi mình viết vào chữ thật mình sẽ thấy “quen quen” và biết cách viết như thế nào cho đúng. Bây giờ trong học tập và làm việc chúng mình dùng máy tính, điện thoại để gõ chữ nhiều hơn là viết tay, nhưng mình khuyên các bạn mới học vẫn nên viết tay để có thể nhớ chữ nhanh hơn nha.

Bên cạnh học các nét cơ bản tiếng Trung, bạn cũng cần phải học quy tắc viết chữ Hán nữa. Nguyên tắc viết là như nào đây nhỉ? Bật mí với các bạn người ta thường gọi quy tắc này là quy tắt bút thuận đó.

Quy tắc bút thuận – quy tắc viết chữ Hán (Nguồn: cohanvan.com)

Nhìn thì có vẻ rắc rối nhưng sự thật là nếu quen rồi bạn sẽ thấy viết theo quy tắc sẽ rất thuận và đẹp hơn nhiều so với việc viết bừa bãi đó nha. Nhớ học quy tắc viết cho thành thạo nè.

Từ buổi thứ 5 trở đi: Học lần lượt các bài trong giáo trình bạn đã chọn

Học lần lượt từng bài: từ mới, bài khóa, ngữ pháp, luyện tập, mỗi buổi 1 bài hoặc theo kế hoạch bạn đã đề ra trước đó.

Có 1 phần mà các bạn tự học thường hay bỏ qua đó là “nghe”. Sách giáo trình nào cũng thường đi kèm phần audio, nên trước khi vào bài, các bạn nên bật phần audio lên, nghe vài lượt cả phần từ mới và bài khóa, sau khi học xong các bạn cũng có thể nghe thêm 1 vài lượt nữa để xem mình có thể không nhìn vào sách mà vẫn hiểu không.

Luyện khẩu ngữ bằng các phương pháp mà mình đã viết ở bài viết trước: Làm sao để tự học tiếng Trung hiệu quả?

Chú ý quan trọng trong quá trình học

  • Bộ thủ

Bộ thủ là gì nhỉ? Tiếng Trung có 214 bộ thủ, nói nôm na là các thành phần ghép lại để ra được một chữ Hán. Tùy vào cách phân tích mà ta có thể tách 1 chữ Hán ra làm nhiều phần khác nhau. Vậy cách học bộ thủ như thế nào, 1 lúc học thuộc cả 214 bộ thủ hay sao????

Không ạ, mình cũng đã nói ở bài viết trước, lộ trình tự học tiếng Trung của mình không phải là học tất cả 214 bộ cùng 1 lúc, vì mình thấy nó hoàn toàn không cần thiết. Tuy vậy trước khi học mình vẫn in một bản 214 bộ thủ có đầy đủ số thứ tự, số nét, Hán Việt, phiên âm và nghĩa ra nhé, để sau mình học còn đối chiếu (nhắn tin cho mình nếu các bạn cần file 214 bộ thủ dịch tiếng Việt).

maxresdefault

Đối với mỗi 1 chữ Hán mình học, mình sẽ chỉ xét xem bộ chính của nó là gì. Mỗi chữ Hán chỉ có 1 bộ chính mà bạn có thể dựa vào bộ này để tra từ điển ở một số từ điển chuyên dụng có chức năng tra bằng bộ thủ nhé. Mình thì chỉ dùng từ điển trên điện thoại nên không tra bằng bộ thủ bao giờ.

Ví dụ chữ 好 (hảo = tốt, ổn, khỏe, OK…) có bộ chính là bộ 女 (bộ nữ). Chữ 爸爸 (bố) có bộ chính là bộ 父 (bộ phụ)…

bộ thủ.jpg
Bộ chính của chữ 好 là bộ 女 (bộ nữ)

Mỗi 1 chữ mới học mình đều ghi rõ nó có bộ thủ chính là gì, bộ thủ đó bao nhiêu nét, ở số bao nhiêu, nghĩa là gì… Kiên trì sau 1 thời gian bạn đã học được kha khá bộ thủ thường dùng rồi đó.

  • Chữ Hán Việt

Chữ Hán Việt cũng là một phần bạn không nên bỏ qua khi học từ vựng. Ngay từ những từ vựng đầu tiên, ngoài nghĩa và cách phát âm của từ ra, bạn cũng nên học âm Hán Việt của nó.

Mỗi từ vựng THƯỜNG có 1 âm Hán Việt, tuy nhiên cũng có những từ có 2, 3…âm Hán Việt, chúng thường sẽ tương đương với những phiên âm và nét nghĩa khác nhau, bạn lưu ý nhé. Ví dụ từ 好 bên trên có 2 âm Hán Việt là hảo, hiếu.

Tuy vậy, không nhất thiết mỗi 1 từ trong tiếng Trung bạn đều phải biết được âm Hán Việt của nó là gì (ít nhất là đối với những bạn mới học). Bạn chỉ nên chú ý đến những âm Hán Việt quen thuộc mà người Việt mình vẫn còn dùng trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ từ 结婚 có âm Hán Việt là kết hôn, trong tiếng Việt mình vẫn thường xuyên sử dụng từ này, nên bạn nhất định phải biết. Nhưng ví dụ như từ 睡 âm Hán Việt là thụy, trong tiếng Việt mình không sử dụng từ này nên bạn cũng chỉ cần biết chứ không cần nhớ, học làm gì.

Vậy tại sao phải học Hán Việt? Bởi tiếng Việt mình có 1 bộ phận từ Hán Việt rất lớn mà đến giờ mình vẫn sử dụng thường xuyên cả trong giao tiếp hằng ngày lẫn ngôn ngữ trang trọng, nên việc học Hán Việt sẽ giúp mở rộng vốn từ của bạn dễ hơn hơn, đồng thời bạn cũng có thể nhớ từ nhanh hơn nhờ việc ghép âm Hán Việt. Ví dụ: ngoài kết hôn ra, bạn cũng có thể ghép chữ “kết” này với: kết thúc 结束, kết cục 结局, kết cấu 结构… Lưu ý nữa là học âm Hán Việt cũng có 1 chút nhược điểm đó là có những âm khi sử dụng trong tiếng Trung thì nghĩa khác mà trong tiếng Việt sẽ khác, nên bạn cũng cần phải nắm rõ điều này.

Kết bài lộ trình tự học tiếng Trung

Hãy học kiên trì theo từng bài của sách giáo trình bạn đã chọn. Đừng sốt ruột khi người khác học nhanh hơn mình, cũng đừng nản vì mình học mãi không xong. Vạn sự khởi đầu nan, ai cũng vậy, chỉ cần bạn bắt đầu là bạn đã đặt một chân lên chiến thắng rồi!

Bài chia sẻ lộ trình tự học tiếng Trung kết thúc tại đây nhé, mọi người có bất kỳ câu hỏi nào về vấn đề tự học, mình sẽ cố gắng giải đáp. Chúc các bạn có một khởi đầu thành công và thuận lợi.

Hẹn gặp lại các bạn ở các bài chia sẻ sau nhé :*

Về tác giả

Một cô gái 2x tuổi luôn mong muốn có một Ngôi nhà riêng viết về tất cả những thứ mà cô ấy thích…

Tiểu Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *